Bảo đảm cho trẻ em một mùa hè vui tươi, bổ ích, an toàn

Thứ tư - 19/05/2021 00:00

Bảo đảm cho trẻ em một mùa hè vui tươi, bổ ích, an toàn

Bảo đảm cho trẻ em một mùa hè vui tươi, bổ ích, an toàn

Kỳ nghỉ hè là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của mọi lứa tuổi học sinh sau một năm học tập căng thẳng, các em có cơ hội được thỏa sức tham gia các hoạt động mà mình muốn. Tuy nhiên làm thế nào để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú, lại tránh được những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra là điều băn khoăn, lo lắng của không ít bậc phụ huynh. Bởi vậy, việc lựa chọn cho con em mình tham gia các lớp học năng khiếu, rèn luyện kỹ năng trong dịp hè đã và đang nhận được sự quan tâm của của nhiều phụ huynh.

Ở tuổi thiếu niên, nhi đồng, các em thích khám phá và đã biết lựa chọn cho mình những môn thể thao mà mình yêu thích. Kỳ nghỉ hè năm nay, các em có thể đến Trung tâm nhà văn hóa huyện để tập luyện môn võ thuật cổ truyền. Tại đây các em được huấn luyện viên luyện tập các động tác đánh tấn, tập đấm,  phòng thủ, các bài quyền, đối kháng...

Bên cạnh các môn như múa, hát, võ thuật thì môn bơi lội cũng được các bậc phụ huynh lựa chọn cho con em mình tham gia trong kỳ nghỉ hèHọc bơi không chỉ tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chiều cao mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tạo sự thoải mái, vui vẻ trong cuộc sống hàng ngày.  Trước thực trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước đáng báo động như hiện nay thì việc cho trẻ học bơi phần nào hạn chế những  tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

Nắm bắt nhu cầu của nhiều phụ huynh khi mùa hè đến, những năm gần đây các hình thức vui học hè, trại hè, học kỳ quân đội dành cho thiếu nhi… ngày một nở rộ. Tuy nhiên, các hoạt động này dường như đang đặt ra vấn đề cần xem xét khi một số tổ chức cá nhân có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, mà chưa chú trọng nâng cao chất lượng của các hình thức hoạt động này?

Mùa hè đến, trái ngược với niềm vui sướng của trẻ nhỏ vì được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái thì nhiều bậc phụ huynh ở các đô thị lại băn khoăn, lo lắng. Vì họ sẽ phải tính toán để thu xếp sao cho trong mấy tháng hè, mọi sinh hoạt của con được tổ chức hợp lý, bổ ích, trong khi hằng ngày bố mẹ vẫn đi làm. Trên thực tế, không phải gia đình nào cũng sống cùng ông bà để nhờ cậy. Hơn nữa, dù ở cùng ông bà, hoặc ông bà sống gần nhưng nếu tuổi cao sức yếu thì việc trông nom các cháu hằng ngày sẽ là bài toán khó, trong khi nhu cầu của trẻ không chỉ là ăn ba bữa, ngủ muộn đến tận trưa. Đã có một số trường hợp, bất đắc dĩ phụ huynh phải giải quyết bằng cách đưa con đi làm cùng với bố mẹ! Để không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của cơ quan, có ông bố, bà mẹ đi làm “kèm trẻ em” phải “thỏa hiệp” bằng cách cho con chơi máy tính cả ngày cho đỡ chán, mua sách cho con ngồi đọc, giao bài tập cho con làm trong lúc bố mẹ làm việc... Có phụ huynh, dù không muốn cũng đành phải khóa cửa để con ở nhà một mình, dù biết là có thể cả ngày con sẽ chỉ ngồi xem truyền hình, chơi game, đói thì lục nồi ăn uống quấy quá, có khi mải xem, mải ngủ rồi quên luôn cả ăn.

Nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh trong việc tìm nơi trông giữ trẻ trong dịp hè, những năm gần đây, sắp đến thời điểm học sinh kết thúc năm học, dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ em lại nở rộ dưới nhiều hình thức khác nhau, như: khu vui chơi kèm trông giữ trẻ, chương trình vui học hè, trại hè thanh thiếu niên, học kỳ quân đội, lớp kỹ năng sống cho trẻ… Để tăng sự hấp dẫn với các phụ huynh, không ít chương trình thiết kế nội dung học tập từ sáng đến tối theo hình thức bán trú sao cho lịch học của trẻ em trùng với giờ đi làm của cha mẹ. Vậy là thay vì được nghỉ ngơi thoải mái thì cứ sáng sáng khi bố mẹ đi làm, nhiều trẻ em lại tiếp tục được chở đi học! Tất nhiên học hè không giống như học ở trường phổ thông, không bị sức ép về thi đua, bài vở, lên lớp hay lưu ban, nhưng rõ ràng sau chín tháng đèn sách miệt mài học hành, ý nghĩa nghỉ hè hầu như giảm nhiều so với mong muốn của các em. Đã có chuyện thật như đùa: lo vì để con ở nhà một mình có thể gặp nguy hiểm tính mạng như điện giật, ngã cầu thang,… có phụ huynh cho con học hết ngày này sang ngày khác theo lịch trình: sáng học đàn, chiều học múa; hôm sau sáng học tiếng Anh, chiều học vẽ. Cứ như vậy, cả tuần trẻ được học từ đàn hát, múa, đến võ, vẽ! Chấp nhận tốn kém, nhưng theo quan điểm của phụ huynh này thay bằng việc thuê người giúp việc trông con ở nhà để chỉ quanh quẩn ăn, ngủ, xem hoạt hình sẽ làm hư con, việc cho con tham gia nhiều lớp học như vậy giúp con năng động hơn và biết đâu có thể phát triển được tài năng mà lâu nay con chưa phát lộ! Tuy nhiên, sau mấy tháng hè, tài năng của con chưa thấy phát lộ đâu mà chỉ thấy trẻ gầy rộc, hễ đến giờ phải tập đàn là lên cơn đau bụng! Lại có cha mẹ mong muốn gửi con vào những lớp kỹ năng sống, vì cho rằng suốt cả năm học con mình chỉ xoay xở với đống bài vở nên kỹ năng xã hội hoàn toàn khuyết thiếu. Như phàn nàn của một phụ huynh, cứ đến giờ ăn là con mình ôm bát tô cơm, chất đầy thức ăn và vừa ăn vừa xem hoạt hình, chẳng cần người lớn đã ngồi vào bàn ăn hay chưa. Dù đã học lớp 7 nhưng trẻ sống khá ích kỷ, không biết làm việc nhà, thường xuyên có thái độ “bất hợp tác” với bố mẹ, bất chấp mọi nhắc nhở, khuyên bảo. Vì vậy, phụ huynh đã chọn lớp kỹ năng sống để con mình đến học với hy vọng con sẽ thay đổi cách ứng xử với mọi người, hiếu kính với ông bà cha mẹ, thân thiện với bạn bè, khi ra ngoài đường thì không bị ngơ ngác!

Có cầu ắt có cung, vì vậy sự bùng nổ các dịch vụ vui chơi giải trí và nuôi giữ trẻ mỗi dịp hè đến là điều dễ hiểu. Như có “phép thần”, mới bước sang tháng 5, nhiều phụ huynh đã đồng loạt nhận được email, tin nhắn, điện thoại, tờ rơi về các chương trình “hấp dẫn, bổ ích cho trẻ” với lời quảng cáo tưởng chừng khó có thể bỏ qua, như: “Hè là dịp để trẻ được trải nghiệm, được khám phá và vụt lớn. Hè cũng là dịp để trẻ dệt nên những ký ức tuổi thơ cùng các hoạt động đòi hỏi thử thách tư duy, khả năng làm việc đội nhóm và các kỹ năng cần thiết cho trẻ bước vào tương lai. Xin gửi đến quý phụ huynh chương trình Vui hè… - chương trình đã được các bạn nhỏ và các vị phụ huynh mê mẩn trong suốt 7 năm qua”. Có thể nhận thấy nổi lên trong thời gian qua chương trình Học kỳ quân đội được rất nhiều phụ huynh ưa chuộng. Đây là mô hình giáo dục lấy môi trường kỷ luật nghiêm khắc của quân đội làm môi trường rèn luyện thanh thiếu niên. Thời gian học tập thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày với chi phí khoảng 5 - 7 triệu đồng. Mức chi phí này không hề rẻ so với thu nhập của nhiều gia đình cán bộ, công nhân, viên chức nhưng vẫn thu hút quan tâm của phụ huynh. Bởi mọi người mong muốn con mình được rèn giũa trong môi trường đòi hỏi tính tự lập, ý thức tự giác cao - các phẩm chất còn khá thiếu đối với nhiều trẻ em thành thị. Sự chăm chút thái quá, thiếu phương pháp giáo dục, bao bọc con quá mức của không ít cha mẹ khiến trẻ dù 6 - 7 tuổi đôi khi còn phải bố mẹ xúc mới chịu ăn, sách vở đi học vẫn do bố mẹ sửa soạn giúp, quần áo vẫn do bố mẹ gấp cất giúp vào tủ… nên phụ huynh lựa chọn chương trình học kỳ quân đội với hy vọng trong môi trường giáo dục mới con mình sẽ thay đổi. Nhưng học kỳ quân đội không phải là “cây đũa thần”, vì trong thời gian ngắn rất khó thay đổi thói quen, ý thức hình thành từ lâu, nên khó có thể cho rằng sau một khóa học như vậy là đã giải quyết xong, mà cần tiếp tục ngay cả khi các em đã trở về với gia đình. Nếu trở về với gia đình, bố mẹ vẫn thiếu cương quyết, tiếp tục nuôi con theo kiểu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” làm thay mọi việc, thì không thể nói chương trình học kỳ quân đội có kết quả lâu dài, giúp trẻ tự lập, biết quan tâm đến người khác…

Như đã trình bày, trước nhu cầu rất lớn về việc tìm nơi vui chơi và có thể ôn tập chuẩn bị cho năm học mới của trẻ nhỏ, một số tổ chức và cá nhân đã nắm bắt cơ hội tranh thủ kinh doanh bằng nhiều hình thức, nên xuất hiện một số chương trình hè cho trẻ được tổ chức theo lối chộp giật, nội dung sao chép lẫn nhau, thiếu đầu tư, chuẩn bị kỹ về chuyên môn; đặc biệt, giáo viên chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kỹ năng sư phạm nhưng thu phí rất cao dẫn đến tình cảnh phụ huynh và học sinh “tiền mất tật mang”, không biết kêu ai, không biết cơ quan nào có thể xử lý! Năm 2011, dư luận một lần kinh hoàng khi báo chí đăng tin tại một chương trình học kỳ quân đội, một em vi phạm kỷ luật hút thuốc lá, đã bị thầy “phạt nhét thuốc lá vào tai, mũi mỗi lỗ một điếu và hơn chục điếu thuốc vào miệng bắt hút thế một lần” hoặc “bị bắt quả tang đánh bài đã bị thầy xé đôi bộ bài, nhét vào miệng”, hình thức xử phạt khác là bắt học sinh tát vào mặt nhau khi mắc lỗi. Rõ ràng, dù hình thức xử phạt rất phản giáo dục như vậy tuy chỉ là đơn lẻ, nhưng trước tình trạng các dịch vụ cho trẻ bùng nổ nhưng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay là sự cảnh báo với các phụ huynh trong việc tìm địa chỉ tin cậy để gửi gắm con em.

Trong khi trẻ em thành phố như bị “nhào nặn lại” trước quá nhiều chương trình vui học hè, thì trẻ em ở khu vực nông thôn lại quá thiếu các sân chơi, những hoạt động hè bổ ích và an toàn. Do bố mẹ bận việc đồng áng, mùa màng, nên ngày hè trẻ em ở nông thôn thường được huy động để giúp bố mẹ làm thêm, hoặc không ai trông nom. Không có điểm vui chơi, các em phải tự mày mò, sáng tạo các trò chơi bắt ve, trèo cây, tắm sông, hồ... Đã có tình trạng một số gia đình con vắng mặt từ sáng đến tối mà bố mẹ không biết con làm gì, đi đâu. Điều này dẫn đến một hiểm họa: trẻ em bị chết đuối do không có người lớn đi kèm và thiếu kỹ năng xử lý khi gặp sự cố trong lúc bơi lội. Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em bị chết đuối, trong đó hơn 50% trường hợp chết đuối có nguyên nhân từ việc trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Đặc biệt, tỷ lệ chết đuối ở trẻ có chiều hướng tăng cao vào dịp nghỉ hè. Đây là điều đáng buồn, đáng lo ngại. Nghỉ hè giống như món quà quý dành cho các em sau những ngày tháng miệt mài học tập, giúp các em được sống trọn vẹn tuổi thơ, vậy mà bỗng lại thành hiểm họa sinh mạng đối với một số em. Đã có thời kỳ phong trào sinh hoạt hè, học hè với hình thức đoàn viên là sinh viên đại học, học sinh phổ thông trung học (trước đây là cấp 3) về nơi cư trú, tập hợp các em thiếu niên, nhi đồng để tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, ôn tập hè với sự tham gia, hỗ trợ của chính quyền xã, phường, thôn xóm,… khá phát triển, hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây hình thức này ngày càng mai một, kém hiệu quả, nên khi mùa hè đến, học sinh chia tay thầy cô trở về với gia đình thì câu hỏi “chơi gì, làm gì” đã khiến rất nhiều phụ huynh đau đầu.

Một mùa hè mới đã bắt đầu. Chăm lo, chăm sóc trẻ không chỉ là mối quan tâm của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính vì vậy rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc tạo ra những hoạt động hè bổ ích cho các em, giúp các em có thêm nguồn năng lượng mới trước khi bước vào năm học. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ mọi hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hè dành cho trẻ em, góp phần tạo điều kiện cho trẻ em có một mùa hè an toàn và ý nghĩa.

                                                                                                         Người viết

 

 

 

                                                                                                     Quàng Thị Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

licham.net

- Click vào nút hiển thị ngày trong tuần hoặc tháng âm lịch để xem chi tiết

- Màu đỏ: Ngày tốt

- Xanh lá: Đầu tháng âm lịch

- Màu vàng: Ngày hiện tại

QUẢN LÝ THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập200
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm182
  • Hôm nay100
  • Tháng hiện tại840
  • Tổng lượt truy cập105,590
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi